A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Rẫy luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, một lòng đi theo Đảng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy Nguyễn Quang Thạch cho biết: Ngày 28/1/1954 lịch sử đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Kon Rẫy. Từ đó đến năm 1972, nơi đây vừa là chỗ dựa vững chắc của Mặt trận Tây Nguyên, vừa là nơi đứng chân của các tiểu đoàn: 304, 406 của Tỉnh đội và Thị ủy Kon Tum, làm bàn đạp giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh, Măng Đen, Măng Bút (huyện Kon Plông) và thị xã Kon Tum. Chiến công này được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

Đến cuối năm 1975, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến tháng 2/1976, Tỉnh ủy lâm thời ra quyết định sáp nhập các huyện: H16, H29 (tỉnh Kon Tum cũ) và H1 (tỉnh Gia Lai cũ) thành huyện Kon Plông. Tiếp nối truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân các dân tộc, giai đoạn 1976-2002, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông bước sang chặng đường mới, đó là xây dựng và bảo vệ quê hương, từng bước khắc phục hậu quả của chiến tranh, đoàn kết một lòng quyết tâm xây dựng huyện ngày càng đổi mới và phát triển. 

Trao quà cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy

Thực hiện Nghị định số 14-NĐ/CP, ngày 31/1/2002 của Chính phủ, huyện Kon Rẫy được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Kon Plông (cũ). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm phối hợp giúp đỡ của các sở, ngành, địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Rẫy đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được để xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Trải qua 21 năm (2002-2023) xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Rẫy đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu, năng động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt nội lực, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Tổng thu ngân sách địa phương không ngừng tăng qua các năm, từ 20 tỷ đồng (năm 2002) lên 380,739 tỷ đồng (năm 2022), đạt 153,5% chỉ tiêu Nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2002) lên 34,95 triệu đồng (năm 2022), đạt 101% chỉ tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo trên 70% (năm 2002),  đến năm 2022 giảm còn 13,29% (theo tiêu chuẩn mới bình quân hàng năm giảm 6,6% hộ nghèo). Đến nay, toàn huyện đã có 4/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 99,81% số hộ DTTS có đất ở, đạt 102,8% và 99,58% số hộ DTTS có đất sản xuất, đạt 102,5% Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,15%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 18,62%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp đạt 9,41%... 

Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương của Đảng được giữ vững; công tác dân vận của Đảng, hệ thống chính trị được phát huy hiệu quả. Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia vào tổ chức đoàn, hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp được tăng cường.

Đặc biệt, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và công tác đảng viên được thực hiện đồng bộ, từ 31 TCCSĐ với 523 đảng viên (năm 2002) nâng lên 52 TCCSĐ với gần 1.735 đảng viên (năm 2022). Nếu như năm 2002, toàn huyện có 24 đơn vị trực thuộc cơ sở chưa có tổ chức đảng và 14 đơn vị chưa có đảng viên, thì đến nay, 100% đơn vị có tổ chức đảng và đảng viên. Tỷ lệ thôn trưởng là đảng viên chiếm 77,55%, bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng chiếm 18,37%. Việc đánh giá, xây dựng quy hoạch và tạo nguồn cán bộ kế cận được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần vào tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng huyện ổn định, phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của huyện; đẩy mạnh phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội..”- Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.


Tác giả: Hà Nguyên - Báo Kon Tum

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật