A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Thay đổi cách làm nhờ đào tạo nghề

Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của huyện Kon Rẫy là 46,26%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 37,78% (4.643/16.196 số người trong độ tuổi lao động). Kết quả đạt được là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của huyện và sự ủng hộ tích cực của người dân trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đúng với nhu cầu học của người dân, các ngành nghề học phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, vào đầu mỗi giai đoạn, hằng năm, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tiến hành khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và các nghề  có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn.

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện đào tạo nghề hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thực hiện công tác tuyển sinh, điều tra, tư vấn, khảo sát điều chỉnh chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu lao động phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương với trình độ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên đảm bảo quy định.

Nhiều người dân ở Kon Rẫy đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tích cực phát triển kinh tế từ rừng. Ảnh: HN

Từ nhu cầu của người dân và định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2011-2022, đã mở 75 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng số 2.315 người tham gia. Trong đó, có 1.908 người học 8 nghề nông nghiệp (chủ yếu là các nghề đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng gồm: Cạo mủ cao su; Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà; Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn thịt; Trồng, chăm sóc bời lời; Trồng, chăm sóc cà phê vối; Trồng nấm sò; Trồng nấm rơm), chiếm tỷ lệ 82,42%; 407 người học 3 nghề phi nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 17,58%, gồm 201 người đào tạo thường xuyên (làm chổi đót), 206 người đào tạo trình độ sơ cấp (nghề nề hoàn thiện và nghề vận hành sửa chữa máy nông nghiệp). Các đối tượng học nghề chủ yếu là người DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm trên 90%), trong đó tỷ lệ lao động tham gia học nghề là thanh niên chiếm tỷ lệ cao, tăng theo từng giai đoạn, từ 56% giai đoạn 2011-2015 lên 60% giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là tham gia học nghề, các lao động nông thôn nhận được nhiều hỗ trợ như hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo; lao động thuộc các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ thêm tiền ăn theo chính sách của Đề án 1956; địa điểm học nghề cũng linh hoạt lưu động ở các thôn làng nên thu hút lao động tham gia khóa học tích cực.

Nhờ được học tập, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên nhiều hộ nghèo ở xã Đăk Tờ Re đã thoát nghèo. Ảnh: H.N

Ông A Brang (thôn 8, xã Đăk Ruồng) cho biết: Nhà tôi có gần 1ha cao su nên khi được cán bộ tư vấn đăng ký các ngành nghề đào tạo, tôi đã đăng ký tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su để phục vụ vào công việc của gia đình. Trong suốt thời gian học tôi không phải đi xa, các thầy cô về tại nhà rông của thôn giảng dạy, thực hành được trực tiếp hướng dẫn trên vườn cây. Không tốn tiền học phí, lại được hỗ trợ tiền ăn, tôi tập trung vào học tập, tham gia đầy đủ các buổi học. Tôi thấy nhờ được đào tạo nghề mà tăng thêm hiểu biết, thay đổi nếp nghĩ cách làm, đặc biệt là hiểu sâu về kỹ thuật cạo mủ cao su để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ kĩ thuật cạo đúng đã giúp năng suất, chất lượng mủ cao su của gia đình tôi cao hơn trước, diện tích cao su cũng phát triển tốt hơn.

Theo ông Huỳnh Quốc Thái- Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, các lớp học nghề đều được mở tại các thôn, lại tổ chức vào ban đêm, không ảnh hưởng đến các công việc nên bà con đăng ký học ngày càng tăng. Qua học nghề, bà con có thêm kĩ năng, trình độ để áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp của gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có thể nói công tác đào tạo nghề đã hỗ trợ đắc lực trong việc củng cố tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 14 về tỷ lệ lao động qua đào tạo, qua đó góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí để về đích xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

 Nhìn chung, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Kon Rẫy thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người lao động được nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Phần lớn lao động nông thôn sau khi học nghề tự tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm chiếm trên 70%. Đặc biệt là nhờ được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh của gia đình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. 


Nguồn:baokontum.com.vn Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật