Ông A Vứk (thôn 4, xã Đăk Tờ Re) cho biết, gia đình ông có 1ha mì, những năm trước bệnh khảm lá chỉ xuất hiện ở diện tích nhỏ, nhưng năm nay có tới 80% diện tích đã nhiễm bệnh và đang lan rộng.
“Từ giữa tháng tư gia đình tôi bắt đầu trồng giống mì KM 419 trên diện tích 1ha. Mì đang xanh non mơn mởn thì đến cuối tháng 6 có 80% diện tích ruộng mì ngả vàng, khô héo, lá cây thì cong queo, nhăn nhúm, nhiều cây rễ đã bị thối. Thấy vậy tôi đã khoanh vùng rồi tìm mua thuốc bảo vệ thực vật để trị bệnh cho cây nhưng tốc độ lây lan nhanh quá không kịp trở tay. Với tình hình như vậy, sản lượng mì năm nay của gia đình tôi sẽ giảm khoảng 60% so với các vụ trước, chắc chắn sẽ thiệt hại một khoản thu nhập không hề nhỏ”- ông A Vứk rầu rĩ nói.
Ông A Vứk lo lắng vì diện tích mì của gia đình đang bị bệnh khảm lá. Ảnh: TH
|
Ở xã Đăk Ruồng, anh A Loan (trú thôn 10) cũng đứng ngồi không yên vì diện tích mì của gia đình đang bị nhiễm bệnh khảm lá mức độ nặng. Trên diện tích 1ha, gia đình anh trồng giống mì KM 419. Vẫn như mọi năm, từ giữa tháng 4, gia đình anh tất bật xuống giống. Đến cuối tháng 6, anh phát hiện 90% ruộng mì đã ngã vàng, lá mì cong queo, nhăn nhúm, thậm chí một số cây đã thối gốc, chết hẳn.
“Năm ngoái ruộng mì nhà tôi bị bệnh khảm lá nên sau khi thu hoạch tôi đã thu gom, đốt cây mì bị bệnh, rắc vôi khử trùng đất, cày xới phơi đất rất kỹ, nhưng sang vụ năm nay cây mì vẫn bị bệnh. Chắc chắn năm nay sản lượng mì sẽ giảm đi rất nhiều. Đây là nguồn thu nhập chính để gia đình 4 người chúng tôi trang trải cuộc sống. Cứ đà này tôi chẳng biết xoay sở như thế nào”- anh A Loan thở dài nói.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy, huyện hiện có 4.024ha mì, tới thời điểm hiện tại có hơn 25ha mì bị bệnh khảm lá, tập trung chủ yếu ở các xã: Đăk Ruồng, Đăk Tơ Lung, Đăk Tờ Re và thị trấn Đăk Rve. Bệnh xuất hiện phổ biến trên giống mì KM 419, KM140, KM 98-5.
Bệnh khảm lá xuất hiện trên địa bàn huyện Kon Rẫy từ 3 năm trở lại đây. Ảnh: TH
Bệnh khảm lá xuất hiện trên địa bàn huyện Kon Rẫy từ 3 năm trở lại đây. Để hạn chế sự lây lan của bệnh khảm lá trên cây mì, thời gian qua, Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Ông Nguyễn Trọng Phấn- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy cho biết, chúng tôi khuyến cáo người dân không trồng giống mì đã nhiễm bệnh, chỉ sử dụng các giống mì có thể kháng bệnh tốt như KM94, HN3, HN5... Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, trừ dịch và cần có các biện pháp xử lý đất để diệt trừ các loại virus trong đất có khả năng gây bệnh. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đã bị nhiễm bệnh nặng sang trồng loại cây mới như: bắp, đậu, mía...
“Để từng bước tạo nguồn giống sạch bệnh cho người dân, năm 2023 huyện đã hỗ trợ 93 ngàn hom mì giống HN5 cho người dân trồng trên diện tích 10 ha. Sau khi trồng thử nghiệm cho thấy, giống mì này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cho hàm lượng tinh bột cao và có thể kháng được bệnh khảm lá. Để sớm đẩy lùi bệnh khảm lá trên cây mì, chúng tôi vận động người dân chủ động mua giống mì này để đưa vào sản xuất”- ông Phấn thông tin.
Thu Hiền