Ông Đinh Hồng Thắng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ, qua công tác tuyên truyền, nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân về Chương trình OCOP ngày một được nâng lên. So với năm 2021, năm nay, tăng 2 ý tưởng, sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình. Các sản phẩm có tính da dạng, đều được chế biến từ các sản vật của địa phương và liên kết được nhiều người dân, nhất là người DTTS tham gia sản xuất.
“Từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 được phân bổ 400 triệu đồng; đến nay, huyện Kon Rẫy tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực tham gia, triển khai Chương trình OCOP cho hơn 80 học viên là người dân, đại diện các tổ chức kinh tế tập thể, cán bộ UBND cấp xã; hỗ trợ 5 chủ thể có sản phẩm được hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, phát triển sản phẩm, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, hội nghị lớn của huyện và tỉnh”- ông Thắng nói.
Sản xuất bún tươi ở hộ kinh doanh Trần Thị Phương. Ảnh: Đ.T
Đến thời điểm này, các chủ thể được Nhà nước hỗ trợ đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ và sản phẩm mẫu để tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Kon Rẫy đợt 2 năm 2022. Các chủ thể cũng tích cực phát triển, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sau khi được nhận các bao bì, tiếp cận phương thức kinh doanh trên thương mại điện tử.
Hộ kinh doanh Trần Thị Phương (chủ thể của sản phẩm Bún tươi Tân Lập) cho biết, gia đình bà kinh doanh, sản xuất bún tươi từ năm 2018. Nguồn nguyên liệu để sản xuất bún được lấy chủ yếu từ các loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25 do người dân trên địa bàn xã Tân Lập trồng. Để sản xuất sản phẩm bún sạch lâu dài, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gia đình bà đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc.
“Lâu nay, gia đình tôi chỉ sản xuất bún tươi với số lượng nhỏ, khoảng 40-50kg mỗi ngày, tiêu thụ chủ yếu ở chợ, các quán ăn, nhà hàng trên địa xã Đăk Ruồng và xã Tân Lập. Tôi mong muốn thương hiệu sản phẩm bún tươi của gia đình được mở rộng vùng tiêu thụ và có chỗ đứng trên thị trường nên đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP”- bà Phương cho hay.
Năm nay, huyện Kon Rẫy có sản phẩm về gia vị đăng ký tham gia Chương trình OCOP là Hạt tiêu Sơn Ka, đây là sản phẩm được phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu do người dân địa phương, hầu hết là người DTTS, cung ứng. Sản phẩm này đã góp phần tạo sự đa dạng về thành phần và chất lượng các sản phẩm OCOP của huyện.
Sản phẩm hạt tiêu Sơn Ka được hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động quảng bá, tiêu thụ. Ảnh: ĐT
Ông Nông Hồng Sơn- đại diện hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp ở thị trấn Đăk Rve cho hay, hợp tác xã đang tập trung sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm gia vị (tiêu, sả, gừng) để cung ứng cho các nhà hàng, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh và thành phố Đà Nẵng. Ngoài sản phẩm Hạt tiêu Sơn Ka, các sản phẩm gia vị khác, hợp tác xã sẽ đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong các năm tiếp theo.
“Qua hỗ trợ từ Nhà nước, các sản phẩm của hợp tác xã được tham gia nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu và quảng bá, được nhiều cán bộ, người dân và khách hàng biết đến sản phẩm của HTX nhiều hơn”-ông Sơn phấn khởi cho biết.
Ông Đinh Hồng Thắng thông tin, đối với 5 sản phẩm được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP trong năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương cơ sở liên quan định hướng, tư vấn để chủ thể đầu tư phát triển sản phẩm và chuẩn bị thật tốt các nội dung, hồ sơ, sản phẩm mẫu tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đợt 2 năm 2022. Đối với 3 ý tưởng, sản phẩm còn lại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn các chủ thể tiếp tục chủ động hoàn thiện sản phẩm, tăng cường liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu và đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất và chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm 2023.
Đức Thành