Đồng chí U Huấn- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chủ trì thảo luận tại Tổ 18. Ảnh: HN
Tại các phiên làm việc, ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu tham gia 6 ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; cần quan tâm nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án hằng năm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương; sớm quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối Tây Nguyên với các vùng Đông Nam Bộ, với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước và với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; xem xét giao cho các tỉnh Tây Nguyên chủ động thực hiện điều tra, kiểm kê rừng, phân bố chỉ tiêu rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở triển khai các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong quá trình tổng hợp, xây dựng, phê duyệt Quy hoạch điện VIII có sự quan tâm đối với đề xuất, kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để đầu tư phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời, nhằm từng bước đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; cho phép tỉnh Kon Tum thực hiện thí điểm việc thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia; có ngay các giải pháp rất cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân (nhất là những khó khăn vướng mắc đã phát sinh và bộc lộ rất rõ sau đại dịch Covid-19 vừa qua).
ĐBQH tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu tham gia 2 ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; thực tế, nguyên nhân và các giải pháp xử lý tình trạng “bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng".
Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Nàng Xô Vi phát biểu tham gia 2 ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét có quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; bổ sung các biện pháp phù hợp, quyết liệt hơn để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo hành nhân viên y tế.
Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu 3 ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc "Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định về quốc phòng an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa"; các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo, kế hoạch tìm kiếm khai thác dầu khí cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh cho thật chặt chẽ...
Các ĐBQH tỉnh cùng 16 ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh và Tiền Giang tiến hành 2 buổi thảo luận tại Tổ 18 đối với 5 nội dung về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại các buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh Kon Tum đã phát biểu 25 ý kiến tham gia đối với các nội dung này.