Rẫy cà phê của hộ ông Trần Văn Trang thôn 9, xã Đăk Ruồng
Về xã Đắk Ruồng - trung tâm thương mại và dịch vụ huyện Kon Rẫy, mọi người sẽ nhận thấy diện mạo một xã nông thôn miền núi khởi sắc; những ngôi nhà cao tầng kiến trúc hiện đại mọc lên xen lẫn những vườn xanh mướt. Tại trung tâm xã, dọc theo Quốc lộ 24 và Tỉnh lộ 677, tập trung đông dân cư, phát triển mạnh về thương mại…, tạo nên một Đắk Ruồng căng tràn sức sống mới. Để có một Đắk Ruồng “thay da đổi thịt” như vậy là nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã.
Nhớ lại cách đây 20 năm, khi huyện Kon Rẫy mới được chia tách từ huyện Kon Plong (năm 2002), toàn huyện nói chung và Đăk Ruồng nói riêng vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để cải thiện đời sống kinh tế. Nền kinh tế toàn huyện Kon Rẫy chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Nhưng, lúc bấy giờ, về cây trồng, người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, ngô, lúa… và hình thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và thậm chí là canh tác theo kiểu du canh, du cư. Còn về vật nuôi, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, theo hình thức tự cung tự cấp. Chính vì vậy, năng suất cây trồng, vật nuôi rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự may rủi của thời tiết dẫn đến thiếu ăn, đói kém liên miên, nền kinh tế của địa phương ở tình trạng nghèo nàn, lạc hậu…
Trước những khó khăn đó, xã Đăk Ruồng xác định cần phải khẩn trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đưa nền kinh tế xã nhà phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng chuyển đổi phải đảm bảo sự vững chắc với những bước đi thích hợp. Theo đó, UBND xã xác định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế của địa phương kết hợp với áp dụng khoa học công nghệ nhằm đạt năng suất và chất lượng cao; chuyển đổi phải gắn chặt giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Điều quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là phải nâng cao được giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từ đó tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Xã Đăk Ruồng đã xác định phương thức cơ bản là khai thác những nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lương thực với những cây trồng chính như lúa nước, mỳ, bắp để đảm bảo an toàn lương thực cho người dân, đồng thời tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Đối với các loại cây công nghiệp sẽ tập trung vào cà phê, cao su... và tùy đặc điểm địa hình đất đai từng khu vực sẽ vận động người dân trồng trọt. Đến nay, trên địa bàn xã có tổng diện tích cà phê 54,90 ha, cao su 651 ha, diện tích cây ăn quả là 40,02 ha, bời lời 384, 40 ha, dược liệu 3,80 ha.
Trang trại nuôi heo của hộ ông Nông Văn Hiền thôn 13, xã Đăk Ruồng
Đặc biệt, năm2015, xã đưa giống cây macca, một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và cho giá thành cao vào trồng và đến nay đã có 133,40 ha cây macca đang phát triển tốt, hứa hẹn cho nguồn thu nhập cao. Năm 2016, xã đã chuyển đổi đưa giống mới vào sản xuất như giống sắn Km140 và KM419 và hình thành các vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Nhờ hướng đi đúng đắn, đến nay, xã đã duy trì ổn định diện tích và không ngừng nâng cao năng suất cây lương thực, đảm bảo bình ổn lương thực trong nhân dân, không còn tình trạng người dân phải thiếu đói quanh năm như trước đây. Diện tích các loại cây công nghiệp đã phát triển đáng kể và cho thu nhập ổn định, nhiều hộ dân nhờ cây công nghiệp và lâm nghiệp đã vươn lên làm giàu.
Trong chăn nuôi, xã tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, hình thành các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao qua đó nâng cao chất lượng vật nuôi, phát triển đàn gia súc lên đến 5.629 con, đàn gia cầm 14.225 con. Đặc biệt, đã tập trung xây dựng các mô hình đưa giống thủy sản đã thích nghi với điều kiện của địa phương vào nuôi trồng như: cá chép, rô phi đơn tính, cá lóc, trắm, trôi....Năm 2021, lượng thuỷ sản trên địa bàn xã là 59,43 tấn. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 là 39.000.000 đồng/năm, tăng 32.000.000 đồng so với năm 2002.
Nhờ có hướng đi đúng đắn và sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân, năm 2016 xã Đăk Ruồng đã xuất sắc về đích nông thôn mới và hiện nay đang quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao.
Dự kiến năm 2022, toàn xã sẽ mở rộng diện tích gieo trồng lên 2.132 ha, trong đó: cây trồng hàng năm là 1.279 ha, diện tích cây lâu năm là 853 ha và các loại cây khác là 296 ha. Chăn nuôi sẽ phát triển lên 23.888 con, trong đó:gia súc là 7.888 con, gia cầm 16.000 con và tổng sản lượng thuỷ sản khai thác trong năm 2022 là 59 tấn. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000.000 đồng/người/năm. Với nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ (phát huy lợi thế từ việc có sẵn nhà máy chế biến mỳ trên địa bàn); tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHKT, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kịp thời hỗ trợ giống, giải quyết đất sản xuất, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mặc dù còn những hạn chế nhất định như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đều giữa các thôn/ làng; sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; một số cây trồng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; việc ứng dụng, chuyển giao KHKT và công nghệ, đưa các giống mới vào sản xuất còn hạn chế...; nhưng phải khẳng định rằng, với chủ trương đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Đăk Ruồng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nông nghiệp của xã đã có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây chuyên canh như cao su, cà phê, bời lời...; một số mô hình sản xuất nông nghiệp như vườn- ao- chuồng, kinh tế trang trại đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho xã nhà. Đắk Ruồng trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Kon Rẫy./.