A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi hội trưởng Chi Hội nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả.

Anh A Châm, sinh năm 1976, hiện sinh sống ở thôn 10, làng Kon SKôi, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy không chỉ sản xuất giỏi mà còn luôn tận tụy với công tác Hội, được mọi người tin yêu.

Anh A Châm – thôn 10, làng Kon SKôi, xã Đăk Ruồng

Thôn 10, làng Kon SKôi, xã Đăk Ruồng có trên 95% là người dân tộc thiểu số, dân trí vẫn còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Là chi Hội trưởng Nông dân, anh A Châm luôn suy nghĩ phải tìm cách giúp hội viên thoát cảnh đói nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Để làm được điều này, anh là người tiên phong và gương mẫu trong các phong trào của thôn, làng. Anh luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ trong đời sống gia đình cho đến hoạt động sản xuất ngoài nương rẫy.

Anh A Châm – thôn 10, làng Kon SKôi, xã Đăk Ruồng trao đổi: “Tôi học hỏi kinh nghiệm của người khác và trên thông tin đại chúng, vì chúng tôi có học hỏi mới biết làm, chứ không học hỏi không bao giờ biết làm được. Gia đình tôi trồng được 03 ha cây bời lời, trong đó có 02 ha tôi chặt bỏ để chuyển sang trồng cây cà phê và Mắc ca; bên cạnh đó gia đình tôi kết hợp chăn nuôi đàn heo làng trên 30 con và 200 m2 ao nuôi cá để phục vụ gia đình, cho con cái ăn học để sau này hạn chế bớt cái nghèo”.

Kiến thức học hỏi được, anh đem ra áp dụng, thực hành trên nương rẫy nhà mình. Những diện tích đã bạc màu, năng suất cây trồng mang lại không cao, anh đã chuyển đổi sang trồng trọt các loại cây có giá trị kinh tế như cà phê, mắc ca, sầu riêng, mít và bơ.

Nhìn mô hình VAC khá bàn bản và đem lại hiệu quả tương đối cao của A Châm, chúng tôi rất nể phục. Phần đất thấp, gần suối anh đào ao thả cá, trồng lúa nước, phía cao hơn xây chuồng nuôi heo địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường; 02 ha bời lời được anh chặt bỏ để chuyển sang trồng cây cà phê, xen canh cây mắc ca. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và chăm chỉ lao động, anh đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; mô hình VAC của gia đình anh được cấp ủy, chính quyền địa phương chọn làm mô hình điểm để cho bà con học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Ông Trần Văn Thái, Bí thư Chi bộ thôn 10 – Chủ tịch Hội nông dân xã Đăk Ruồng cho biết: “Gia đình A Châm làm chi hội trưởng nông dân kiêm tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng chính sách đã lâu, đồng chí rất năng nỗ tham gia các phong trào của Hội, cũng là người đầu tiên chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, ở thôn 10. Từ mô hình này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo cho các chi Hội trưởng học hỏi đồng chí A Châm về nếp nghĩ, cách làm hiệu quả; chuyển đổi các loại cây trồng không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, cho năng suất cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Đảm nhiệm Chi hội trưởng Hội nông dân gần 03 nhiệm kỳ, hiện nay anh A Châm còn được Nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu cử, giữ chức vụ Phó Trưởng thôn. Với nhiệm vụ được tin tưởng giao phó, anh A Châm luôn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; duy trì sinh hoạt thôn, làng đều đặn, đồng thời lồng ghép công tác Hội với trao đổi khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bàn bạc biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hội viên. Nhờ vậy, người dân ở thôn 10, làng Kon SKôi đã nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, từ đó mọi tập quán lạc hậu của thôn được xoá bỏ, nếp sống văn minh hiện hữu trong mỗi ngôi nhà.

Từ nếp nghĩ, cách làm hiệu quả của mình, anh A Châm đã được dân làng và cán bộ ở địa phương tin yêu và mến phục. Anh là tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo./.


Tác giả: Lâm Hiền-Thành Trung(Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật