A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiểu sử về Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - Liệt sĩ U Re (1948 - 1967).

U Re sinh năm 1948, dân tộc Xê đăng, quê ở làng Kon Plo, xã Đăk Kôi (xã Đăk Mong cũ), huyện H16 (nay là xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Anh xuất trong trong gia đình nông dân nghèo và giàu truyền thống cách mạng. Cha, mẹ U Re sinh được 6 người con, người con gái thứ 3 và con trai út bị bệnh chết từ nhỏ, còn lại 4 người con: 3 trai, 1 gái lớn lên đều tham gia hoạt động cách mạng.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình nghèo, đông con, cha, mẹ U Re phải cực nhọc sớm hôm phát rẫy, làm nương…lam lũ ngày đêm kiếm từng cái ăn, chăm lo đàn con khôn lớn; quần quật, vất vả quanh năm nhưng không sao thoát khỏi cái nghèo, cái khổ vẫn ngày đêm đeo bám, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm; đã vậy còn bị bọn thực dân và tai sai hà hiếp, cướp bóc, phá hoại… cuộc sống cực khổ trăm bề. Cái nghèo cộng với nỗi đau của người dân bị áp bức đã hằn lên gương mặt lo âu, u sầu khiến cha, mẹ U Re như già đi trước tuổi.

 Viếng nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn huyện Kon Rẫy. 

                   Nhìn cha, mẹ mà U Re thấy nao lòng, xót thương. U Re tự nhủ lòng mình phải cố gắng làm gì để giúp đỡ cha, mẹ. Lên 5, lên 6 U Re đã đi ở đợ cắt cỏ, chăn trâu cho chủ làng để kiếm cái ăn giúp đỡ gia đình qua cơn đói hạt, khó khăn. Tối đến U Re còn trông đàn em và giúp mẹ giã gạo, sấy khô lo cho cái ăn của gia đình trong những ngày khốn khó. Là con thứ hai trong nhà, U Re rất ngoan hiền, hiếu thảo, chăm lo gia đình, nên được cha, mẹ và bà con trong làng thương yêu, quý mến.

                   Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tỉnh Kon Tum được giải phóng (tháng 2/1954). Gia đình U Re cũng như nhân dân làng Kon Plo mở hội reo mừng cùng sông núi vì được thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột của bọn thực dân. Tuy nhiên, hết thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ, với dã tâm xâm lược, chúng không muốn có một nước Việt Nam thật sự hòa bình, tự do, độc lập, thống nhất. Năm 1955, thực dân Pháp bị hất cẳng hoàn toàn Đông Dương, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm âm mưu phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, ngăn cản sự nghiệp đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo hòa bình thống nhất nước nhà, nhằm chia cắt lâu dài hai miền Nam, Bắc nước ta.

                   Trước chính sách tố cộng, khủng bố dã man, tàn bạo của kẻ thù đã làm cho nhân dân căm phẫn và mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền Mỹ-ngụy.

                   Những năm 1954 - 1958, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường, chỉ lối mà trực tiếp là các cán bộ được phân công ở lại hoạt động và một số từ đồng bằng lên tuyên truyền giáo dục gây cơ sở, cha, mẹ U Re dần dần hiểu và giác ngộ cách mạng, tin cán bộ, tin Đảng. Nhờ đó, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tình cảm, lòng nhiệt tình, cha, mẹ U Re luôn sẵn sàng cống hiến sức người, sức của giúp đỡ, che giấu và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ bí mật hoạt động gây dựng, phát triển cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở Đăk Kôi và H16. Dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhân dân làng Kon Plo và xã Đăk Kôi nhiều lần đứng lên đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, hòa bình, tự do và đã thu được những kết quả quan trọng. Tinh thần, khí thế cách mạng ngày càng dâng cao, hình thức đấu tranh ngày càng phát triển, đi từ thế hợp pháp đấu tranh chính trị lên nửa hợp pháp và đến bất hợp pháp đấu tranh vũ trang với địch. Trong lúc tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến mới, thì không may tai họa ập đến gia đình U Re. U Pơng - người nông dân cần cù, chất phác, có công lao giúp đỡ cách mạng, người cha kính yêu của U Re - lâm bệnh qua đời, bỏ lại người vợ hiền và 6 con nhỏ nheo nhóc mồ côi, năm đó U Re mới vừa tròn 10 tuổi.

                   Năm tháng qua đi, U Re ngày càng khôn lớn, trở thành nhân lực lao động chính trong nhà, cùng với mẹ và anh trai U Giá chăm chỉ làm nương, phát rẫy tăng gia sản xuất giúp mẹ nuôi em, lo cái ăn, cái mặc cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng trước cảnh mất nước, nhà tang, quê hương buôn làng mình đang bị đạn bom địch giày xéo, gây bao cảnh tang tóc đau thương, nhà cửa tiêu điều, ruộng đồng bị tàn phá. Tim gan U Re đau nhói, lòng căm thù ngày càng sục sôi. U Re thầm mong mình chóng lớn, khỏe mạnh để được trực tiếp cầm sung đánh Mỹ, đánh bọn tay sai bán nước, giải phóng quê hương, dân làng thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của kẻ địch.

                   Năm 1962 (14 tuổi), U Re xung phong làm liên lạc cho cán bộ cơ sở cách mạng hoạt động ở làng Kon Plo. Nhiệm vụ của U Re lúc này là đưa thư từ và cung cấp kịp thời những tin tức, tình hình hoạt động của địch ở làng Kon Plo và các địa bàn lân cận cho cơ sở. Hơn 3 năm công tác liên lạc, U Re luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cán bộ khen ngợi, tin tưởng.

                   Núi rừng xã Đăk Kôi, H16 trùng điệp, mênh mông, lắm cây tre, nhiều cây nứa, sông, suối, núi đồi bát ngát, bao la… là nơi căn cứ địa cách mạng vững chắc, chiến khu kháng chiến của quân dân H16. Xã Đăk Kôi là địa danh nổi tiếng từng che chở bộ đội, bao vây quân thù. Do đó, đế quốc Mỹ và bọn tay sai luôn cay cú, hằn học, thù ghét người dân nơi đây. Chúng thường xuyên huy động quân lính đi càn quét, lung bắt cán bộ, khủng bố nhân dân, hòng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng là đốt sạch, phá sạch núi rừng, giết sạch người dân H16, xã Đăk Kôi, phá vỡ căn cứ địa cách mạng của ta, mà chúng cho là cái gai, là địa bàn lợi hại nhất gây mất ổn định đối với vùng địch kiểm soát ở khu vực thị xã và các địa bàn lân cận xung quanh. Thế nhưng nhân dân các dân tộc H16, xã Đăk Kôi từ lâu đã có sẵn truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lại được Đảng, cán bộ cách mạng trực tiếp giúp đỡ và lãnh đạo, do đó đã có thêm sức mạnh và niềm tin, càng giúp họ thêm căm thù giặc sâu sắc, không sợ gian khổ, hy sinh, càng đoàn kết một lòng, cùng chung ý chí quyết tâm đứng lên cầm gương, dao, giác mác, súng, đạn đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng; đánh giặc giữ nước, bảo vệ làng xóm, quê hương.

                   Chịu ảnh hưởng bởi truyền thống cách mạng quê hương, năm 1965, vừa tròn 17 tuổi, U Re xin gia nhập lực lượng du kích xã để có cơ hội cầm súng đánh giặc. Được cấp trên đồng ý, U Re lòng vui như mở hội. Anh tích cực tham gia sản xuất tại chỗ và học tập, rèn luyện chiến thuật, vót chông, làm thò bố phòng nhử đánh địch. Mỗi lần được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp bám đánh địch là U Re mừng lắm. Nhiệt tình, mưu trí, gan dạ, dũng cảm, U Re cùng với đồng đội nhiều lần lập công khi tham gia đánh đồn địch phía trước và chống càn bảo vệ quê hương. Con sông Đăk Kôi thơ mộng hiền hòa chảy qua khu vực Đăk Kôi, Đăk Ruồng,… cùng với núi rừng trùng điệp ở đây đã tạo nên một địa thế quan trọng để tổ đội du kích U Re lập nên thế trận thiên la địa võng phục kích, chôn vùi bao xác địch.

                   Sau khi quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam, tình hình chiến trường miềm Trung, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng càng hết sức phức tạp, ác liệt. Tuy còn trẻ nhưng U Re luôn suy nghĩ và xác định cho mình ý chí, quyết tâm của người chiến sĩ trực tiếp cầm súng tiêu diệt kẻ thù. U Re tâm sự với U Đia - người bạn thân cùng làng và là đồng đội: “Nếu trong chiến đấu không may bị thương, mình sẽ không để bị địch bắt mà sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Dường như là một tín hiệu báo trước, U Đia không ngờ lời nói của U Re sau đó trở thành hiện thực. Mùa khô năm 1966, địch âm mưu mở cuộc càn quy mô lớn với hơn 8000 quân, sử dụng nhiều loại phương tiện: bộ binh, xe tăng, trực thăng yểm trợ chia thành nhiều hướng càn quét vùng căn cứ H16 và xã Đăk Kôi hòng thực hiện âm mưu cướp bóc, giành dân, tiêu diệt lực lượng ta, phá vỡ vùng căn cứ kháng chiến cách mạng. 

                   Với quyết tâm bảo vệ chiến khu cách mạng, quê hương, xóm làng, kiên quyết không cho kẻ địch dễ bề làm mưu, làm gió cướp bóc, phá hại dân làng, giết chóc cán bộ ta; với tinh thần quyết chiến, quyết thắng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, được sự phân công, chỉ đạo của cấp trên, tổ du kích gồm 4 đồng chí (U Re; U Thoan; U Đia; U Pốt), do U Re chỉ huy lợi dụng địa hình địa vật hiểm trở quen thuộc, quần lộn bám đánh một đại đội Mỹ càn vào khu vực giữa 2 làng Kon Plo và Kon Rơ Lơn, xã Đăk Kôi, diệt tại chỗ 11 tên và làm bị thương nhiều tên khác. Quân địch hoang mang khiếp sợ rút chạy toán loạn, lui ra xa, sau đó dùng phi pháo tầm xa bắn dữ dội vào trận địa. U Thoan - người bạn chiến đấu của U Re bị trúng đạn hy sinh, đã làm cho U Re càng thêm căm phẫn, anh càng quyết tâm bám trận địa, chiến đấu tiêu diệt thật nhiều quân Mỹ để trả thù cho bạn.

                   Bị thất bại đợt đầu, quân Mỹ tập trung lực lượng mở đợt tấn công mới. Chúng dùng phi pháo bắn phá quyết liệt vào trận địa của tổ đội du kích. U Re cùng với U Đia, U Pốt chống trả quyết liệt với quân thù. Cuộc chiến mỗi lúc một ác liệt. Lửa đạn nghi ngút và cái nóng bỏng của khí trời tháng 02 Tây Nguyên dường như muốn vắt kiện sức các anh. Song, với tinh thần dũng cảm, kiên trung, các anh quyết bám trụ đến cùng đánh địch. Trong lúc dập đám lửa cháy lan vào trận địa thì U Pốt bị trúng đạn địch, hy sinh tại chỗ, U Re bị thương nặng. Biết mình không thể thoát khỏi vòng vây kẻ thù và để bảo toàn lực lượng chiến đấu, U Re đã nổ súng thu hút hỏa lực địch về phía mình để cho U Đia thoát khỏi vòng vây, càng mình tìm cách cất giấu vũ khí, ôm gọn quả mìn còn lại giả vờ chết, chờ bọn Mỹ kéo đến thật đông xung quanh, lập tức anh giật nụ xòe, mìn nổ, 7 tên Mỹ chết tại chỗ, một số tên bị thương, số còn lại bỏ chạy toán loạn. U Re đã anh dũng hy sinh. Một hành động vô cùng gan dạ dũng cảm và anh hùng.

                   Cùng với đồng đội, U Re đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm chấp nhận sự hy sinh, góp phần ngăn chặn hành động càn quét xâm lược của quân thù, bảo vệ đồng đội, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.  

                   Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, U Re vừa trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến đấu với tổ đội du kích đã đánh 25 trận, tiêu diệt hành chục tên địch. Riêng U Re tiêu diệt 15 tên, bắn bị thương 21 tên, thu 1 súng và 500 viên đạn; tham gia vót 5000 cái chông, làm 90 cái thò, bố phòng và tham gia hoạt động đánh địch tất cả 8 chiến dịch lớn, nhỏ.

                   U Re được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng 3, 1 bằng khen chiến sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

                   Ngày 06/11/1978, U Re được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

          Suốt cuộc đời hoạt động chiến đấu ngoan cường và nhất là hành động quả cảm, sự hy sinh anh dũng của U Re là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đời đời bất diệt, là tấm gương sáng cho đồng chí, đồng đội, các tầng lớp Nhân dân và thế hệ thanh, thiếu niên chúng ta ghi nhớ và học tập./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật