Trào Nhà tình nghĩa cho hộ bà Y Ngan – tại thôn 5, xã Tân Lập; Ảnh Lâm Hiền
Theo thống kê, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo (đơn chiều) là 34,12%, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,54% và 47,27% (nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2015-2020), đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,95%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm trong 5 năm là 5,26%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (giảm 3%/năm); hộ nghèo dân tộc thiểu số 7,9%; hộ cận nghèo giảm trong 5 năm 13,34%; tổng số hộ thoát nghèo 2.445 hộ, hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo 2.150 hộ và thoát cận nghèo 1.349 hộ.
Cùng với đó, thu nhập và đời sống của người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư. Đến nay, tỷ lệ xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 100%; 100% xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%. 100% xã, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; có 08 trường mầm non, THCS đạt chuẩn quốc gia. 96,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; tỷ lệ kilomet đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 98,3%.
Trao hàng cứu trợ cho các hộ nghèo tại thị trấn Đăk RVe; Ảnh Lâm Hiền
Thời gian qua, mặc dù nước ta gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch, ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là 253.916 triệu đồng, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 95.995,9 triệu đồng; các chính sách, dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 khoảng 157.695 triệu đồng; hỗ trợ mạng lưới cộng tác viên giai đoạn 2017-2020 là 225,120 triệu đồng
Trao tặng bò cho hộ nghèo tàn tật, mô côi tại xã Đăk Tờ Re; Ảnh Lâm Hiền
Có thể nói, công tác giảm nghèo đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, phong trào đăng ký thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi toàn huyện, nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều xã tỷ lệ nghèo vẫn còn cao; một số người dân, địa bàn nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại... đòi hỏi phải được quan tâm, nỗ lực giải quyết hiệu quả hơn trong giai đoạn tới
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội đa chiều, bao trùm, bền vững, hiệu quả, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác giảm nghèo trong 20 năm qua, huyện Kon Rẫy cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bao trùm, bền vững theo hướng không chồng chéo chính sách, tích hợp chính sách, hỗ trợ có điều kiện; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người…
Hai là, bố trí ngân sách nhà nước cho các đơn vị, địa phương theo ngân sách đã được phân bổ, lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các sáng kiến, mô hình hiệu quả, thành công.
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, sai phạm trong tổ chức thực hiện chính sách, chương trình.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “thoát nghèo” sâu rộng trên phạm vi toàn huyện; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Kon Rẫy phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Kế hoạch 51-KH/HU ngày 23/11/2021 của Ban thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về giảm nghèo trên địa bàn huyện Kon Rẫy trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2025./.