Tăng cường tuyên truyền về Ngày Chuyển đổi số, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Ảnh: HL
Vào Ngày chuyển đổi số quốc gia đầu tiên- ngày 10/10/2022 (theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ), tôi đang trò chuyện bà Nguyễn Thị H.- một nông dân ở xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) ngay bên vườn cam đang chín đỏ của gia đình bà.
Chuyển đổi số ấy à, tôi không hiểu và cũng không mấy quan tâm- bà H. nhấm nhẳng nói. Rồi bà hỏi lại tôi với vẻ ngạc nhiên: Chuyển đổi số là gì ấy nhỉ? Có lợi ích cho nông dân như tôi không?
Khi tôi giải thích rằng, hiểu một cách đơn giản thì chuyển đổi số là bà có thể thể sử dụng các ứng dụng để thanh toán không dùng tiền mặt cho điện, nước, mua bán hàng hóa; nộp học phí cho con mà không cần phải đến trường; làm các thủ tục hành chính từ xa; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
Hay cụ thể nhất là chị có thể ở nhà mà tham gia các sàn bán hàng trực tuyến, hoặc bán trực tiếp thông qua mạng xã hội- tôi lấy ví dụ.
Nhưng bà H. chỉ cười: Ở nông thôn, nước bơm từ giếng lên, tiền điện thì có người thu hộ. Con cái đã lớn; nhà cửa ổn định nên không có việc gì liên quan đến thủ tục hành chính. Còn vườn cam này, đã có các mối quen ngoài chợ đặt hàng, khi nào thu hái xong thì chở ra cho họ.
Và bà kết luận “sẽ không mất thời gian để tìm hiểu về chuyển đổi số”!
Bẵng đi một năm, cuộc gặp gỡ lần thứ hai với bà H. cho thấy một nông dân khác, mà tôi tạm gọi là “nông dân số”.
Bà đã đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2; thực hiện việc đăng ký tái khám trực tuyến ở bệnh viện.
Với chiếc điện thoại thông minh, bà H. có thể bán cam bằng việc đăng lên trang facebook, zalo, thay vì phải đem ra chợ hoặc bỏ mối cho mấy quán cà phê. Mà người mua cũng ở tận đẩu tận đâu chứ không chỉ ở xã, huyện.
Không chỉ vậy, bà H. đã rất thành thạo trong việc livestream bán cam. "3, 2, 1, xin chào cả nhà! Hôm nay tôi chuẩn bị hái lứa cam mới. Quý khách hàng xem, đây là vườn cam mà tôi chuẩn bị thu hái tươi ngon. Sẽ giảm giá cho 5 khách hàng đầu tiên. Mọi người nhanh tay vào mua nhé”.
Và bà H. thừa nhận rằng, chuyển đổi số cho phép người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tỉnh Kon Tum có hơn 2.600 sản phẩm đăng ký trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 25 toàn quốc; có trên 15.000 giao dịch trên sàn thương mại điện tử và hơn 143.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số.
Có rất nhiều bằng chứng từ cuộc sống hàng ngày cho thấy chuyển biến rõ nét trong nhận thức về chuyển đổi số của người dân, cũng như Ngày chuyển đổi số quốc gia đã và đang tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ.
Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.
Các loại nông sản không chỉ bán trực tiếp, mà còn hiện diện ỏ các sàn giao dịch trực tuyến nhờ chuyển đổi số. Ảnh: HL
Nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện lực, nước sinh hoạt, viễn thông, dịch vụ internet, hàng không, du lịch, bệnh viện, trường học đã nhanh chóng ứng dụng thanh toán điện tử trong thanh toán lương, chi trả trợ cấp, thu phí .
Ứng dụng quẹt thẻ thanh toán qua máy POS của các ngân hàng thương mại cũng đang là lựa chọn phổ biến của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng.
Về tổng thể, người dân bắt đầu thụ hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Họ dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động ngày một phát triển mạnh như: Thanh toán không dùng tiền mặt cho điện, nước, thuế, mua bán hàng hóa; hợp đồng điện tử, ký số; nộp học phí tại các trường học, lệ phí thủ tục hành chính, bảo hiểm xã hội; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Thuận lợi cơ bản là trong mấy năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/02/2022 về chuyển đổ số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây chính là định hướng quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn.
Đến tháng 9/2023, hạ tầng số được xây dựng cơ bản đều khắp, với 195 điểm kết nối mạng chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% cơ quan, địa phương có mạng LAN; mạng băng rộng cáp quang phủ đến 50% hộ gia đình; mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh đã thực hiện đến 85% dân số trưởng thành.
100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Toàn tỉnh có 83,6% dân số đã được tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Toàn tỉnh đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tiếp đón bệnh nhân, thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Triển khai hệ thống tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản ánh hiện trường của người dân trên nhiều lĩnh vực qua nhiều hình thức trực tuyến như kênh zalo, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống phản ánh, kiến nghị.
Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực thi chính sách lẫn đầu tư hạ tầng số, phát triển nền tảng số. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng.
An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Tất nhiên, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, nếu muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn nhất là đưa tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số vào năm 2025.
Năm 2023, Ngày Chuyển đổi số quốc gia có chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Điều này cho thấy, với những giá trị đem lại cho cộng đồng, chuyển đổi số sẽ tiếp tục được phát triển theo định hướng "người dùng là trung tâm".
Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, như: Tập huấn hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp; ra quân, phổ biến hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số thông qua tổ công nghệ số cộng đồng; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; thúc đẩy mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; thúc đẩy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, cần có chiến lược phát triển trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi về phương thức quản lý, điều hành, quản trị.
Quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu lẫn động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Một điều đáng chú ý nhiều thủ tục đã được cung cấp ở mức độ 4, với quy trình nội bộ, quy trình điện tử được đơn giản và chuẩn hóa, nhưng số lượng hồ sơ phát sinh nộp trực tuyến vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chính là do nhận thức và nhu cầu của người dân còn hạn chế.
Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, đi vào thực chất để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính.
Trong thời gian tới cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở phục vụ chuyển đổi số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị, từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột (Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách để người dân thấy được lợi ích, chủ động tham gia chuyển đổi số.
Trọng tâm là tăng cường truyền thông để người dân và doanh nghiệp thấy được lợi ich của chuyển đổi số, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Đồng thời có chính sách đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.
Hồng Lam