Tại Kết luận số 1781- KL/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân về chuyển đổi số được nâng lên.
Các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, tăng cường ứng dụng các nền tảng để phục vụ công tác điều hành, hoạt động; một số nền tảng dùng chung đã thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đến nay, đã đạt và vượt 9/17 mục tiêu xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TU, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng. Ảnh: TH
Tuy nhiên, tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TU còn chậm; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh còn thấp so với cả nước, nhất là việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn còn hạn chế...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém; quyết liệt, năng động, sáng tạo trong khâu tổ chức thực hiện; bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đề ra.
Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU, gắn với Chỉ thị số17-CT/TU ngày 18/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng, dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 878-TB/TU ngày 8/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh” và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nghiên cứu lồng ghép, kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, hạ tầng để đạt các mục tiêu đề ra.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo chuyển biến tích cực và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đối với tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại cơ quan, địa bàn, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, gắn với kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; chấn chỉnh, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân chậm trễ, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tập trung nguồn lực số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh Kon Tum bảo đảm đồng bộ, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin, phục vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu theo quy định.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, nhất là các lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, thương mại điện tử, y tế, giáo dục.... Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số tại UBND cấp xã. Ảnh: TH
Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành thông tin và truyền thông, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Phát huy hơn nữa vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, nhất là xóa các vùng lõm sóng băng rộng di động trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các giải háp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên môi trường số; kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng.
Giao Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số để phục vụ đời sống và sản xuất.
Trong đó, cần phát huy vai trò xung kích, năng động, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT; bảo đảm mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực tham gia hướng dẫn cộng đồng thực hiện chuyển đổi số.
Thành Hưng