Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia và doanh nghiệp.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm để đảm bảo cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, tạo động lực để các địa phương, cơ quan đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm các mục tiêu được giao tại chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 195 điểm kết nối mạng chuyên dùng từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% cơ quan, địa phương có mạng LAN; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 50% hộ gia đình; mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh đã thực hiện đến 85% dân số trưởng thành; tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh là hơn 2.400 văn bản. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NDXP của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, phục vụ kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cấp gần 7.000 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị Nhà nước để trao đổi thông tin trong môi trường mạng và xây dựng 15 biểu mẫu báo cáo theo hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Đối với dữ liệu số, toàn tỉnh đã ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Kho học liệu số ngành Giáo dục, Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, quản lý, lưu trữ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và triển khai cơ sở dữ liệu về cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ TT&TT, tỉnh Kon Tum có hơn 2.600 sản phẩm đăng ký trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 25 toàn quốc; có trên 15.000 giao dịch trên sàn thương mại điện tử và hơn 143.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số.
Toàn tỉnh đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động tiếp đón bệnh nhân, thanh toán chi phí khám chữa bệnh. 100% trường trung học và cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý trường học, phần mềm quản lý nhà trường SMAS. Đồng thời, triển khai hệ thống tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản ánh hiện trường của người dân trên nhiều lĩnh vực qua nhiều hình thức trực tuyến như kênh zalo, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống phản ánh kiến nghị góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ đến từ Viện Nghiên cứu sức khoẻ và phát triển giáo dục Tây Nguyên, VNPT Kon Tum, Công ty Cổ phần Ademax, Viettel Kon Tum, Trung tâm tích hợp dữ liệu BKAV.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Y Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: NB
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong việc thực hiện chuyển đổi số như nguồn nhân lực thực hiện công tác chuyển đổi số còn mỏng và yếu, công tác chỉ đạo về chuyển đổi số ở cấp huyện, xã còn chưa quyết liệt, trình độ chuyên môn về CNTT của cán bộ phụ trách còn hạn chế.
Để đạt được những thành tích cao hơn nữa trong công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Sở TT&TT tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn nâng cao năng lực, trình độ về CNTT cho các cán bộ phụ trách về chuyển đổi số, nhất là cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số ở cấp huyện, xã.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia Hội nghị. Ảnh: NB
Nguyễn B