A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi Số: Lãnh đạo phải hiểu rõ, hiểu sâu để không phong trào

Khi lãnh đạo không biết rõ, không nắm chắc, hiểu sâu sẽ không chỉ đạo đúng, không biết làm sao để có thể ký những quyết định đầu tư và cũng không thể quyết định nên chuyển đổi như thế nào thì hợp lý.

https://www.vietnamplus.vn/

Ông Lê Nguyễn Trường Giang cho rằng chúng ta đang nói về Chuyển đổi Số quá nhiều nhưng nhiều người gần như không hiểu về nó. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết để Chuyển đổi Số thành công, người lãnh đạo cao nhất phải biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu nếu không sẽ chỉ dừng ở mức phong trào.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có bài phỏng vấn ông Lê Nguyễn Trường Giang về vấn đề này.

Vẫn đang ở mức... phong trào

Ông có nhận định thế nào về thực trạng Chuyển đổi Số của Việt Nam hiện nay và nhận thức của các cá nhân, cơ quan hay doanh nghiệp về Chuyển đổi Số như thế nào?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chuyển đổi Số hiện nay vẫn đang ở tầm phong trào. Điều quan trọng nhất là lãnh đạo phải hiểu về Chuyển đổi Số. Lãnh đạo phải biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu thì mới có thể thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi Số được.

Khi lãnh đạo không biết rõ, không nắm chắc, hiểu sâu sẽ không chỉ đạo đúng, không biết làm sao để có thể ký những quyết định đầu tư và cũng không thể quyết định nên chuyển đổi như thế nào thì hợp lý. Và như vậy, chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở những việc rất vụn vặt.

Bản chất của Chuyển đổi Số là sự thay đổi một cách nền tảng căn bản và toàn diện cả một tổ chức. Điều đó không thể làm được từ một cán bộ, chuyên viên cũng không thể từ một phòng, ban được mà phải từ người lãnh đạo cao nhất. Chỉ có người lãnh đạo cao nhất mới biết được rằng mình cần phải chuyển cái gì, đổi cái gì, chuyển đi đến đâu, đổi cái gì và đổi sang thành cái gì.

Chuyển đổi Số cần phải hiểu là một tiến trình mang tính phương tiện và nó sẽ giúp cho những người lãnh đạo có một công cụ giúp quản lý tổ chức của mình hiệu quả hơn, tốt hơn và thích ứng với kỷ nguyên mới. Đây cũng không phải là một việc mới phát sinh mà nó bao trùm lên trên tất cả những công việc hiện tại theo một cách làm mới và là gốc rễ của vấn đề.

Tuy vậy, trên thực tế hiện nay chúng ta chưa nhận thức được việc đó một cách đúng đắn. Chúng ta nói về chuyển đổi nhận thức nhưng theo cách kể lể những câu chuyện nhiều hơn là hiểu được bản chất của vấn đề.

Tôi nghĩ rằng đây là điểm tắc nghẽn lớn nhất hiện nay. Chúng ta nói về Chuyển đổi Số quá nhiều nhưng chúng ta gần như không hiểu rõ về nó. Cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan Nhà nước đều đang gặp tình trạng như vậy.

Chuyen doi So: Lanh dao phai hieu ro, hieu sau de khong phong trao hinh anh 2

Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chuyển đổi số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để thúc đẩy Chuyển đổi Số và chúng ta phải tiếp cận với Chuyển đổi Số theo góc độ nào?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chúng ta cần phải làm 3 việc. Đầu tiên là cần phải có một nền tảng lý luận về Chuyển đổi Số. Ngày 12/9/2023, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách có tên là Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi Số quốc gia. Đó là một tài liệu đầu tiên hướng dẫn một cách căn bản, toàn diện, có hệ thống về thế nào là Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Số thực sự là gì, Chuyển đổi Số cần phải làm gì, làm như thế nào?... dựa trên trọng tâm đầu tiên là Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 là chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Đấy là điểm khởi động của chúng ta đối với Chuyển đổi Số.

Chuyển đổi Số là một tiến trình mang tính phương tiện để chúng ta có thể tham gia cuộc cách mạng đó. Tất cả đều có trong cuốn sách chúng tôi đã biên soạn trong 4 năm, từ 2019 tới nay. Tôi cho rằng nếu không có tài liệu hướng dẫn cụ thể, chúng ta sẽ mỗi người nói một kiểu, mỗi hôm nói một cách.

Thứ hai, chúng ta cần phải đào tạo cán bộ về Chuyển đổi Số. Cụ thể, những người làm việc về Chuyển đổi Số, tư vấn về Chuyển đổi Số, những người đi dạy hay triển khai cần phải có trình độ chuyên môn và phải là những người thực sự hiểu rõ chứ không phải chỉ là những người được giao nhiệm vụ làm Chuyển đổi Số. Nếu họ không hiểu, không có trình độ chuyên môn làm việc đó và không nắm chắc về việc đó thì dẫn đến việc sẽ làm sai.

Điều thứ ba là sau khi có những việc đó rồi, chúng ta phải phổ cập Chuyển đổi Số mà đầu tiên là Năng lực Số. Năng lực Số không phải là năng lực sử dụng máy tính mà là năng lực con người ta có thể làm việc cách hiệu quả trong một môi trường số. Ba yếu tố đó rất quan trọng. 

- Vậy Nghiên cứu Chiến lược Chuyển đổi số đã thực hiện những công việc gì để hỗ trợ cũng như thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số tại Việt Nam?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Đầu tiên là chúng tôi biên soạn những tài liệu căn bản về Chuyển đổi Số được và lần lượt cho ra mắt độc giả. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã thực hiện tư vấn cho rất nhiều bộ, ban, ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chuyen doi So: Lanh dao phai hieu ro, hieu sau de khong phong trao hinh anh 3

Ông Giang chia sẻ tại buổi tọa đàm Khai mở tiền năng Dữ liệu Số. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam

Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng khóa đào tạo về chuyên gia tư vấn Chuyển đổi Số cao cấp với Đại học Quốc gia Hà Nội và vừa khai giảng khóa đầu tiên. Đây là khóa đào tạo những chuyên gia, những người làm tư vấn, đào tạo và triển khai Chuyển đổi Số có trình độ cao. Học viên chính là những người đã và đang làm công việc đó, bây giờ được chuẩn hóa lại để làm một cách có hệ thống, đồng bộ.

Việt Nam mới đào tạo "thợ" về dữ liệu

- Năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia, theo ông hiện nay thực trạng dữ liệu của Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Dự liệu của chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ví dụ như chúng ta đang xây dựng Cơ sở Dữ liệu Dân cư Quốc gia theo Đề án 06. Đó là những dữ liệu căn bản nhưng vẫn đang thiếu một kiến trúc chung. Ngoài ra, hệ thống của chúng ta hiện nay mới đang dừng lại ở mức độ cố gắng nhận thức về dữ liệu.

Năm 2023, chúng ta đẩy mạnh việc nhận thức về dữ liệu, về vai trò của dữ liệu nhiều hơn là chúng ta làm được những gì từ dữ liệu. Các dữ liệu hiện tại đang có ở mức sơ khai. Tuy nhiên, đây vẫn là sự tích cực so với điều kiện và trình độ nhận thức hạn chế của Việt Nam hiện tại.

Để phát triển ngành dữ liệu, chúng ta cần phải làm 3 việc. Đầu tiên là phải hiểu rõ dữ liệu là gì, vận hành như thế nào?  

Thứ hai chúng ta cần một chiến lược dữ liệu, một kiến trúc dữ liệu nền tảng. Muốn xây dựng chiến lược, chúng ta phải đi từ tiêu chuẩn để mọi người có thể hiểu và làm được.

[18 điểm đáng chú ý về dữ liệu khi Việt Nam Chuyển đổi Số]

Cuối cùng chúng ta phải đào tạo cho người ta hiểu đúng, biết rõ, nắm chắc rồi mới dùng chứ không phải chỉ làm những hội nghị, phong trào đơn thuần.

Hiện chúng ta đang bị chú trọng vào đào tạo kỹ sư, đào tạo "thợ" về dữ liệu chứ không đào tạo về kiến trúc dữ liệu. Và, điều này cần phải thay đổi bởi có bản vẽ thì xây nhà mới chắc được.

- Theo ông thách thức lớn nhất của việc phát triển dữ liệu tại Việt Nam hiện nay là gì?

Ông Lê Nguyễn Trường Giang: Chúng ta phải khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở. Để có thể Chuyển đổi Số, thực hiện thành công dịch vụ công trực tuyến, có thể đưa những công cụ như AI vào cuộc sống chúng ta cần phải có dữ liệu đầy đủ, đúng, kịp thời và chất lượng.

Tuy nhiên, một điều thách thức lớn nhất hiện nay là dữ liệu chúng ta không mở và nền tảng của chúng ta cũng vậy. Đa phần tất cả dữ liệu đều bị cục bộ cho nên những mong muốn về việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhất đều chưa thành công...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Sơn (Vietnam+)


Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/ Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật