A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bạn có biết: Chuyển đổi số và số hóa có phải là một hay không?

(Dân trí) - Chuyển đổi số và số hóa là 2 khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong những năm qua. Vậy chuyển đổi số và số hóa có phải là một hay không và khác nhau như thế nào? Tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bạn có biết: Chuyển đổi số và số hóa có phải là một hay không?

Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm "chuyển đổi số" được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh chuyển đổi số, một khái niệm khác cũng được nhắc đến rất nhiều trong thời đại công nghệ, đó là "số hóa". Vậy chuyển đổi số và số hóa có phải là một hay không và 2 khái niệm này có gì khác biệt? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Chuyển đổi số là gì?

Rất khó để có được một định nghĩa cụ thể và rõ ràng về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó, cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Calsoft).

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Calsoft).

Chuyển đổi số bao gồm việc sử dụng các công nghệ số để tự động hóa các quy trình, thu thập và phân tích dữ liệu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện khả năng điều hành và kinh doanh… (Ảnh minh họa: InfoTechno).

Áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện khả năng điều hành và kinh doanh… (Ảnh minh họa: InfoTechno).

Chuyển đổi số là một quá trình phức tạp và cần có sự đầu tư về thời gian, công sức và tài chính. Tuy nhiên, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số.

Tại Việt Nam, khái niệm "chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như quản lý công, truyền thông đại chúng, bán lẻ, y học, khoa học...

Chuyển đổi số và số hóa khác nhau như thế nào?

Chuyển đổi số và số hóa là 2 khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Chuyển đổi số" (Digital Transformation) rất dễ bị nhầm lẫn với khái niệm "Số hóa" (Digitizing) và nhiều người cho rằng 2 khái niệm này là một. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy.

Số hóa là quá trình chuyển đổi dữ liệu từ dạng analog sang dạng kỹ thuật số, là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...).

Số hóa là một phần quan trọng và bước đi đầu tiên của quá trình chuyển đổi số (Ảnh: Pinterest).

Số hóa là một phần quan trọng và bước đi đầu tiên của quá trình chuyển đổi số (Ảnh: Pinterest).

Số hóa còn là quy trình hiện đại hóa, chuyển từ cách thức làm việc thông thường sang hệ thống kỹ thuật số. Tuy nhiên, số hóa lại không có sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, không thay đổi cách thức kinh doanh cũng như không tạo ra mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp…

Trong khi đó, "chuyển đổi số" sẽ khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn.

Có thể xem số hóa là một phần của quá trình chuyển đổi số. Thậm chí, số hóa là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm đưa các thông tin lưu trữ ở dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số. Sau khi số hóa dữ liệu, doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có thể sử dụng các công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động của mình.

Chuyển đổi số quan trọng như thế nào và mang lại những lợi ích gì?

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan, bao gồm: 

- Đối với chính phủ các quốc gia: Chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dân với các dịch vụ công do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện khả năng điều hành đến kinh doanh… (Ảnh minh họa: eWeek).

https://dantri.com.vn/

- Đối với doanh nghiệp: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo, cải thiện quy trình quản lý và vận hành, tăng khả năng ứng phó với những thách thức và biến động của môi trường kinh doanh.

- Đối với khách hàng: Chuyển đổi số giúp khách hàng có được nhiều lựa chọn hơn, tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý hơn, thời gian giao dịch nhanh hơn, tăng cường trải nghiệm khách hàng, bảo mật thông tin cá nhân tốt hơn…

- Đối với xã hội: Chuyển đổi số giúp xã hội phát triển bền vững; tạo ra nhiều việc làm mới; tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thúc đẩy sự hợp tác và kết nối giữa các cá nhân; tổ chức và quốc gia, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, môi trường, an ninh và an toàn.

Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Chuyển đổi số đang được thực hiện trên thế giới và tại Việt Nam như thế nào?

Chuyển đổi số được đánh giá là lựa chọn tất yếu của các quốc gia trong thời đại công nghệ, giúp tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ, đảm bảo an ninh quốc gia, cải thiện đời sống xã hội…

Kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn và quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Điều này cho thấy tác động to lớn của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP của các quốc gia.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó, châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và các quốc gia tại châu Á.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được thực hiện mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh các chiến lược quốc gia nhằm làm chủ công nghệ và chuyển đổi số như chiến dịch "Make in Vietnam" hay hình thành các khu công nghệ trọng điểm…

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang tích cực đầu tư vào các công nghệ số. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 77% doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai chuyển đổi số.


Nguồn:https://dantri.com.vn/ Sao chép liên kết

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật