A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người giữ “lửa” cho hồn chiêng

Bất kể các hoạt động, sự kiện liên quan đến văn hóa cồng chiêng ở huyện Kon Rẫy, mọi người đều nhớ, liên tưởng đến những nhịp điệu rộn ràng, thổn thức, sôi động và những điệu xoang uyển chuyển của đội cồng chiêng thiếu niên thôn Đăk Pủih xã Đăk Tơ Re. Đó là công lao, thành quả sau bao năm đam mê truyền dạy, dẫn dắt của nghệ nhân A Phái.

Người giữ “lửa” cho hồn chiêng

A Phái sinh năm 1965 người dân tộc Bahnar, năm nay ông đã gần 60 tuổi, nhưng có trên 30 năm gắn bó với văn hóa văn cồng chiêng. Con người ta, khi tuổi ngày một lớn, đều muốn làm gì đó cho quê hương, cộng đồng. Và ông cũng vậy, mong muốn tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình sẽ luôn vang xa và lưu truyền đời sau. Trước đây ông chỉ tham gia đội cồng chiêng của làng, nhưng kể từ năm 2000, A Phái đã dành nhiều thời gian để vận động các cháu nhỏ trong thôn tham gia lớp cồng chiêng do chính ông trực tiếp truyền dạy.

Ông A Phái - thôn Đăk Pủih xã Đăk Tơ Re tâm sự: “Để giúp cho các cháu  nhớ lại trang phục, văn hóa đặc sắc của địa phương mình. Năm 2000, tôi nhận thấy các cháu nhỏ trong thôn cũng yêu thích cồng chiêng, nhưng vào thời điểm đó không có ai truyền dạy, chính vì đều đó tôi mới vận động các cháu nhỏ tham gia thành lập đội cồng chiêng trẻ của làng do chính tôi truyền dạy”.

Để các cháu nhỏ trong thôn hiểu rõ về văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với quyết tâm của bản thân sẽ là người truyền lửa cồng chiêng cho các cháu, không kể ngày đêm, ông đã dành nhiều thời gian đến từng hộ gia đình có các em nhỏ, trao đổi với các bậc phụ huynh về việc truyền dạy của mình, đồng thời vận động các em tham gia luyện tập và được đông đảo các em, phụ huynh đồng tình ủng hộ tham gia.

 Chị Y Sem thôn Đăk Pủih xã Đăk Tơ Re: “Tôi là phụ huynh của mấy con, sau khi nghe ông A Phái tâm sự về việc mở lớp truyền dạy, bản thân tôi thấy việc này rất đúng, nếu việc truyền dạy không được ông triển khai, tôi nghĩ mấy đứa nhỏ trong thôn sau này cũng quên hết. Thấy ông muốn tập cho mấy đứa nhỏ để giúp các con nhớ lại cồng chiêng và nhạc cụ xưa thì mình cũng bảo mấy đứa nhỏ cố gắng đi tập”.

Kể từ đó, ông luôn miệt mài, mang hơi thở của tiếng cồng, tiếng chiêng “truyền lửa” đam mê cho các cháu trong thôn. Nhằm giúp cho các cháu hiểu rõ và yêu quý giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Mỗi lứa tuổi ông đều thận trọng chọn các bài chiêng có âm điệu dễ tập, dễ nhớ để các cháu tập luyện. Trong quá truyền dạy, bản thân ông luôn sát sao và hướng dẫn cặn kẻ từng nốt âm thanh của cồng chiêng, xắp xếp phù hợp từng vị trí cho các cháu dễ hiểu dễ tiếp thu bài. Từ đó kết quả truyền dạy cồng chiêng xoang đươc các cháu tiếp thu nhanh và phối hơp âm thanh giữa cồng và chiêng một cách nhịp nhàng hơn.

Em Y Siu Ri - thôn Đăk Puih xã Đăk Tơ Re chia sẻ: “Con rất là vui khi được ông truyền dạy, chúng con đã học được rất nhiều bài về cồng chiêng, chúng con cũng đã tham gia biểu diễn các hội thi cồng chiêng do xã và huyện tổ chức”.

Với cách truyền dạy tận tình và chu đáo của ông, không chỉ các em nhỏ hăng hái tham gia luyện tập, mà hội viên phụ nữ lớn tuổi trong thôn cũng thành lập một đội chuyên biệt và dành nhiều thời gian luyện tập do chính ông truyền dạy.

Chị Y Sem - thôn Đăk Puih xã Đăk Tơ Re: “Bản thân mình cũng thích, mình già rồi mình theo mình tập, rủ mấy mẹ cùng đi tập theo mấy đứa nhỏ, mình phải cố gắng tập luyện để góp phần gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình”.

Đến nay, qua thời gian truyền dạy ông đã dạy được nhiều lớp trong thôn. Hiện tại thôn Đăk Puirh có đến 4 đội cồng chiêng, trong đó có đội thiếu niên chuyên đi biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của huyện, xã và tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch khi có yêu cầu.

Không chỉ truyền dạy cho các học viên ở trong thôn, ông còn được các thôn trên địa bàn xã Đăk Tờ Re và các đơn vị của huyện mời truyền dạy công chiêng. Qua nhiều năm dành thời gian tâm huyết truyền dạy đam mê cho các thế hệ trẻ trên địa bàn. Đến nay riêng bản thân ông đã trực tiếp truyền dạy thành công nhiều lớp cho hàng trăm người tham gia. Các đội cồng chiêng do ông truyền dạy vẫn thường xuyên tập luyện và nhiệt tình tham gia biểu diễn trong các lễ hội và hội thi cồng chiêng do các cấp phát động.

Ông A Phái  tâm sự thêm “Tôi cũng bỏ sức, cố gắng giúp mấy đứa nhỏ để mai sau nó phải nhớ lại phong tục của dân tộc. Mỗi một tuần nếu sức khỏe cho phép tôi dạy từ thứ hai, đến chủ nhật từ 8h đến 10h, nếu ông già yếu thì một tuần tôi dạy 3 buổi. Trong quá trình dạy cho các cháu, mình thấy các cháu rất ngoan, ông già thấy tụi nó đánh được ông già cũng vui, để tụi nó giữ lại tập quán của ông bà hồi xưa”.

Bà Trần Thị Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cho biết: “Đối với nghệ nhân A Phái trên địa bàn xã có nghệ nhân đây là ông rất tâm đắc, rất nhiệt tình trong công tác truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thôn cũng như các thôn khác trên địa bàn. Riếng đối với thôn Đăk Pủi ông đã thành lập được đội cồng chiêng nhí, lớn và đội cồng chiêng cho phụ nữ. Khi tham gia các cuộc thi, đội thôn Đăk Pủi đều đạt các giải cao do các cấp tổ chức”.

Đam mê cồng chiêng chính là lý do tâm huyết khiến ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu và truyền dạy cho các thế hệ. Thời gian tới xã Đăk Tờ Re và huyện ở Kon Rẫy sẽ xây dựng mô hình này để nhân rộng cho các địa phương trên địa bàn, nhằm góp phần hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng, chiêng trên địa bàn.


Tác giả: Y Nhàn - Thành Trung (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật