Trong thời gian qua, UBND huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn huyện thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện với môi trường, triển khai thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, lồng ghép các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu từ các khu dân cư và chất thải trong sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Môi trường và dịch vụ Đô thị huyện thực hiện. Các phương tiện, thiết bị thu gom được trang bị chủ yếu như: Thùng rác, xe tải chở rác, ép rác. Tính đến thời điểm nay, mới chỉ được thực hiện một số địa phương như: thị trấn Đăk RVe, xã Tân lập, xã Đăk Ruồng (dọc quốc lộ 24) được vận chuyển và xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt bãi rác tại thôn 5, thị trấn Đăk RVe và áp dụng một số biện pháp như: Phun chế phẩm vi sinh, vôi nhằm hạn chế ruồi muỗi và rác phân hủy nhanh hơn. Các xã còn lại gồm: Đăk Tờ Lung, Đăk PNe, Đăk Kôi, Đăk Tờ Re các loại rác thải sinh hoạt được thu gom chủ yếu xử lý bằng biện pháp thu công ( đốt, chôn, lấp). Các thôn, làng đã triển khai thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Khối lượng rác thải thu gom tính đến nay khoảng 3.520 tấn.
Đoàn đã trực tiếp giám sát quy trình xử lý chất thải, khí thải và nước thải tại nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Đăk Ruồng; trao đổi về tình hình, kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của bãi rác thải ở thôn 5, thị trấn Đăk Rve.
Ông Trần Lạc nhấn mạnh: Trong thời gian tới UBND huyện có kế hoạch, giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường rác thải, nhất là bãi rác ở thị trấn Đăk RVe; thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống nước thải nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Đăk Ruồng; kiểm tra môi trường nước sinh hoạt của người dân nhất là khu dân cư đầu nguồn nước; phối hợp với các ban ngành của huyện làm tốt công tác tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm an toàn đời sống cho người dân địa phương xung quanh bãi rác thải ở thị trấn Đăk RVe và nhà máy mỳ ở Đăk Ruồng./.